19/07/2023
Hôm qua tôi đọc được câu này, tôi ngồi cười ha ha trong lòng khoái chí lắm.
Vị chi mỗi nghệ sĩ có một quan điểm, con đường nghệ thuật sẽ tiến thẳng như sân bay Tân Sơn Nhất chứ chẳng phải là cứ đang bay hoãn lại vài tiếng đồng hồ trên trời mây khói trắng những tiếng vỗ tay. Ngôn ngữ đập vào lưng, cái từ “quan điểm” đã là phẳng tất cả tông ti họ hàng những-người và những-không-là-người xuất hiện trong cuộc đời của người nghệ sĩ, đến cái thời điểm mà anh ta phát ngôn ra hai từ “quan điểm”.
Tôi cho rằng, cứ nghệ sĩ thì quan điểm sẽ cứ là như thế này. Ôi cái mép bìa méo mó của ngôn ngữ lại sắp bị đẩy ra khỏi thung lũng trũng và rỗng của chính nó chính bởi vì sự cào bằng nhẫn tâm vô hạn không có chỗ tệ nạn trong xã hội hậu hiện đại này. Vậy thì cứ phải than khổ, than buồn tiếp thôi, và cứ sẽ như vậy.
Sau nhiều lần chai mặt nhẵn nhụi lên bờ xuống ruộng, tôi cũng đã tự giảm mức độ ngạc nhiên của mình mỗi khi lên cơn động chấn. Cái cơn này lan sang thực thể kế bên, nghe giống như gẩy đàn, vừa đau xót giùm vừa khó chịu. Ai muốn gỡ chứ tôi nào muốn gỡ? Tôi cũng chẳng muốn gỡ cái cơn động chấn này đi, bởi vì thiếu nó tôi chỉ là một nỗi cô đơn trầm uất, rồi cũng sẽ khuất gió lên trời như những áng mây trên đường bay Tân Sơn Nhất.
Mà nếu vậy thì, cũng phải chấp nhận rằng, không kỳ vọng một sự gần gũi chạm mặt nào trong ít nhất vài năm tới. Trước khi đọc một bài thơ, may chăng người ta gột rửa được cái cõi của mình, cũng chắc gì đã sẵn sàng đón nhận cái cõi của người mình. Thế thì mình, cũng có đón nhận cái cõi này không?
24/06/2023
Nghe lại một bài hát đã cũ của một nghệ sĩ...? ai lại gọi là nghệ sĩ cũ.
Tôi biết đến anh và chị ở một khoảng thời gian nào đó khi tôi còn trẻ, tôi thích giọng của chị, và sự bất chấp thái quá của anh. Họ là một cái gì đó, ở đâu đó, không thuộc về tôi nhưng nắm được một phần khao khát của tôi. Ngày đó tôi chỉ nghe và chỉ thích, hôm nay cũng vậy, cũng chỉ nghe và chỉ thích. Chán là một biểu hiện bình thường khi nghe đi nghe lại, chán khi biết, ôi cái người đấy tôi nghe rồi, hoặc là hãnh diện, à tôi cũng biết cái người đấy. Tự nhiên cái chán này làm cái tai bớt đã hẳn, ô hay lạ nhỉ, thượng lưu của nghệ thuật chẳng phải là cái tiệm cận lần đầu đó sao, mất đi rồi thì còn lại một phần tro không biết là tàn cuộc hay vật cổ quý giá.
Một người anh tôi quen mới rời thành phố, có lẽ một vài lần đầu của anh cũng đã dần dà thành lần quen rồi. Kiếp nạn này, sống với nhiều lần quen người ta biến thành lần đần lận đận.
Một sự thường trực của một tôi không thường trực, tức là một loáng thoáng nhận diện được gương mặt này, bàn tay và đôi chân, mạch máu, những gì ẩn nấp trong cơ thể này là dấu hiệu của sự sống, tôi là phương anh, có phải không? Câu hỏi thoát ra trong cơn bất tỉnh của chữ nghĩa, giữa những cuộc đảo chính, của diễn cảnh, của sinh vật, bộ răng khổng lồ và sự bao bọc.
tôi là phương anh có phải không?
Lâu nay tôi hao hao thấy mình, dong dong, lâu lâu không, nhưng chẳng bận bịu mải miết tìm, không biết tìm ở đâu, lẩn tránh ở đâu rồi, đã bao nhiêu năm, đã bao nhiêu thứ, đã bao nhiêu dáng hình, đã bao nhiêu chuyện đến và chuyện đi.
Bên cạnh một linh hồn khác, làm sao để mình không bị đốt cháy, để tự do và mải mê xoã tóc đi bộ đêm?
tôi là phương anh có phải không?
25/05/2023
Và dúng duẩy, một cái nhìn lạnh ngắt, tà áo quay lưng sau chùm đèn. Tôi cảm thấy những suy nghĩ khó thở, một sự trào trực vẫn thường trực và trằn trọc, hay chăng là biểu hiện của nhận thức và phép màu đang nhìn thấy nỗi đe doạ. Nếu sự tác động của một sợi tóc làm rung rẩy màng nhĩ, cuộc nói chuyện của chúng có phải lời thoại của tôi, được ghi chép và biến mất, hay những con mắt đang nhìn vào nhân dạng qua hệ thống biểu bì và độ ẩm, tiếng gầm gừ, hai cái quạt xoay. Tôi vẩn vơ với cuộc biểu tình của ý nghĩ, một cuộc biểu tình bất khả.
11/05/2023
Mặc khải (chữ Hán: 默啟) có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng màu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được.
Mạc khải (chữ Hán: 漠啟) là sự tác động trong yên lặng của Thiên Chúa làm bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người.
07/05/2023
(trả lời một câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn xin việc) Người Việt là ai? Ranh giới giữa việc hội nhập và giữ gìn văn hoá sẽ như thế nào? Căn tính Việt được phản chiếu như thế nào trong văn hoá - nghệ thuật tại Việt Nam?
Trước tiên, tôi muốn làm rõ về khái niệm *người Việt, ở đây không mở rộng đến phạm vi *người Việt Nam (bao gồm 54 dân tộc anh em).
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, xét theo các góc độ khác nhau, ví dụ như nhân chủng học, không gian lịch sử-địa lý, hoặc tính đương đại,..vv. Tôi sẽ không đề cập đến các kiến thức liên quan từ các nhà nghiên cứu, điều này đều được ghi chép trong sách vở và các diễn ngôn báo chí có thể dễ dàng truy cập trên mạng. Một câu trả lời từ góc nhìn trải nghiệm (experience-based) có thể phù hợp hơn để tiếp cận thế giới quan của tôi.
Một vài người bạn nước ngoài đã từng ngẫu nhiên hỏi tôi về khái niệm “văn hoá Việt”, “người Việt”. Câu trả lời khá đơn giản và tóm gọn: “I think you should live here for a while and find out by yourself, don’t forget to go down the street when you have time”.
Văn hoá được tạo ra bởi con người (theo khái niệm của UNESCO), trong đó con người sống trong hệ sinh thái không chỉ bao gồm con người mà còn các sinh vật khác, bao gồm cả những sinh vật được gọi là “thứ này”, “thứ kia” (more-than-human objects). Tạm đóng sách vở lại và bắt đầu học cách “chung sống” là một trong những cách thực tế, dễ dàng nhất để hiểu về văn hoá của một vùng đất, Những hiểu biết đó sẽ thực sự chảy trong cơ thể như một mạch sống, đôi khi tốt nhất không nên diễn tả bằng lời nói.
Tôi hiện đang sinh sống ở Sài Gòn được 3 năm, trước đó tôi đi học và làm việc Hà Nội tầm 7 năm, và trước đó nữa tôi ở cùng với gia đình ở Đăk Nông khoảng 17 năm. Ông bà nội của tôi đang ở Lâm Đồng, còn ông bà ngoại ở Nghệ An. Gia đình tôi không sinh sống với họ hàng, và trên giấy tờ quê hương của tôi được định danh là Nam Định. Tôi không thể trả lời rõ ràng về căn tính (identity) của bản thân mình, cũng không thể khái quát hoá (generalize) rằng mình là người Việt. Vậy còn những biến chuyển về thế giới quan của tôi khi nói tiếng Anh và tiếp nhận kiến thức, văn hoá ngoài không gian địa phương, liệu sẽ làm thay đổi “căn tính” của tôi?
Có thể sự nhận thức về câu hỏi “người Việt là ai” sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt với một người bán đồ ăn vỉa hè ở Sài Gòn. Tôi từng trò chuyện với một chủ xe hủ tiếu ở hẻm 88 Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận và nghe cô thuật lại cuộc đời trong 20 năm đẩy xe bán hàng. Vậy người Việt với cô là gì? Hương vị hủ tiếu mỗi sáng giá không đổi, những câu chuyện của người ngồi ăn hàng quán, hay tính “thương thì cho thêm chẳng tội tình gì”? Nếu làm một công việc văn phòng hoặc theo đuổi một sự nghiệp ổn định hơn, liệu cô có thay đổi góc nhìn về người Việt không? Nếu góc nhìn của cá nhân cô thay đổi thì “đại cục” về văn hoá của một tập thể có thay đổi hay không?
Có, có thể, và có thể không. Điều này tùy thuộc vào sự di chuyển, tiếp biến văn hoá từ cái gốc rễ (căn), phản ánh qua lối sống của người đó. Thứ nhất, cái “căn tính” không nên được nhìn nhận là một thực thể tĩnh, “căn tính” có thể thay đổi trong những thời điểm khác nhau của một đời người, chẳng hạn khi họ quyết thay đổi địa phương sinh sống và cộng đồng xung quanh. Thứ hai, cái “căn tính” không nên được xét một mình, cho dù đó là căn tính của một con người hay một dân tộc. Như đề cập ở trên, con người sống trong hệ sinh thái, một lẽ tự nhiên khó chối bỏ. Vậy nếu nói rằng những yếu tố tự nhiên có tính ổn định như đất đai, khí hậu, những yếu tố sinh học không thể lựa chọn như gen di truyền quyết định đến “căn tính”, một thực thể được đặt trong thế giới đã định sẵn khái niệm “căn tính” này “căn tính” kia sẽ tự quyết định “căn tính” của mình được không?
Lặp lại câu trả lời, có, có thể, và có thể không.
Nới rộng ra từ “căn tính” của cá thể cho đến một cộng đồng, ranh giới giữa giữ gìn và hội nhập rất mỏng manh. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đi giữa ranh giới cùng với sự không ổn định (uncertain) và sự phức tạp (complexity), và liệu có một cách nào chính xác để đi hay không? Nhìn một cách đơn giản từ góc độ sinh học, cơ thể con người có hai chân để đi, có bộ não để xác định sẽ đi đâu. Trong khái niệm “đi” đã bao gồm câu trả lời, tất nhiên là có thể đi, đi thế nào tuỳ vào ý chí, tốc độ, và nhiều yếu tố khác. Không thể lấy cách đi của một cá thể này gán vào cá thể kia, vậy nên không thể nói rằng người này “Việt” hơn người kia, hay người này “ngoại quốc” hơn người kia. Đặt ra câu hỏi “đi như thế nào” để tự nghiền ngẫm và tìm cách quay trở về sinh sống với các thực thể khác như một hệ sinh thái, có chăng là lựa chọn thông thái hơn, thay vì đẩy mạnh sự chia rẽ bởi tính khác nhau, sự phân biệt. Những nhà nhân chủng học đã cho thấy điểm khởi đầu của lịch sử đưa con người đến gần với nhau là sự tương đồng, không phải sự khác biệt. Sự tương đồng sẽ mang lại cảm giác an toàn, một trong những nhu cầu cơ bản để con người mở ra thế giới quan của họ và tiếp nhận thế giới quan của người khác. Như vậy, đi giữa ranh giới mỏng manh của việc “giữ” hay “còn”, đòi hỏi những tập hợp phẩm chất khác nhau để đối phó trong những bối cảnh khác nhau, và những tập hợp này có thể hoàn toàn khác nhau, không rập khuôn hay đặt nặng vào năng lực cá thể.
Nhìn vào nền văn hoá-nghệ thuật Việt Nam đương đại là nhìn vào một bối cảnh chính trị-xã hội được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh với những từ khóa như “the modernity”, “hybrid”, “postwar”. Đặc thù này trải dài từ các nhóm thực hành nghệ thuật, các tổ chức văn hoá, các nhóm cộng đồng tương ứng với những hệ thống niềm tin giống-và-khác. Tính “Việt” được đề cao hơn hẳn trong thời điểm hiện tại, với những nỗ lực từ nhiều tổ chức khác nhau khi đứng trước nguy cơ bị mất tính “Việt”, và chính cái tính “Việt” không rõ hình dung ấy lại là chất keo gắn kết để những sự khác biệt đến gần với nhau, cổ vũ và tiếp tục đi tiếp trên hành trình của riêng mình. Lấy nghệ thuật đương đại là một ví dụ điển hình, trong khi các nghệ sĩ trẻ vẫn đang loay hoay để tìm chỗ đứng của mình trong giới nghệ thuật vốn dĩ đi sâu vào tiềm thức người Việt là món ăn của kẻ thượng lưu, có lẽ công chúng còn không hiểu được nghệ thuật đương đại là gì và vì sao cần nghệ thuật. Đâu đó một mảng trong căn tính Việt vẫn còn ở đây để đánh giá, đặt câu hỏi, để đòi hỏi một thứ nghệ thuật đúng, có giá trị, tiếp bước những thế hệ trước. Đâu đó vẫn cần một sự đảm bảo rằng cái thứ “nghệ thuật đích thực” ấy sẽ được giữ nguyên vẹn và truyền tới những thế hệ tiếp theo. “Đến ăn còn không có, tiền đâu mà triển lãm với cả phòng tranh?”. Tuy vậy, như những thế giới song song len lỏi trong cộng đồng, những cái-cũ-mới vẫn mọc ra như rễ cây và tìm nơi nương náu. Khó, và rất khó để có đủ nước uống hay sức sống dưới ánh mặt trời, vì cần nhường cho những cái rễ cây khác ốm yếu hơn. Một sức mạnh bền bỉ, âm thầm, không hề dữ dội “rất Việt”, chẳng ai nói với ai câu nào đều hiểu, nhưng cũng vậy, một cái tôi, một cái mong muốn tột bậc để chuyển mình thay đổi và vươn ra thế giới, được coi là “rất ngoại quốc”, cả hai song hành trong một thế kỷ với những điều không biết trước.
Có lẽ cũng như những cái kết khác, một cái kết để bắt đầu thay vì một cái kết để quy chụp, một cái kết để tự hào thay vì một cái kết để đau thương. Cái kết nào cũng cần thời gian để từ từ đóng lại, cái “căn tính” nào cũng cần có thời gian để tự chiêm nghiệm và đặt ra những câu hỏi. Hay bản thân “căn tính” đã là một tập hợp của những câu hỏi?
(trả lời một câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn xin việc) Người Việt là ai? Ranh giới giữa việc hội nhập và giữ gìn văn hoá sẽ như thế nào? Căn tính Việt được phản chiếu như thế nào trong văn hoá - nghệ thuật tại Việt Nam?
Trước tiên, tôi muốn làm rõ về khái niệm *người Việt, ở đây không mở rộng đến phạm vi *người Việt Nam (bao gồm 54 dân tộc anh em).
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, xét theo các góc độ khác nhau, ví dụ như nhân chủng học, không gian lịch sử-địa lý, hoặc tính đương đại,..vv. Tôi sẽ không đề cập đến các kiến thức liên quan từ các nhà nghiên cứu, điều này đều được ghi chép trong sách vở và các diễn ngôn báo chí có thể dễ dàng truy cập trên mạng. Một câu trả lời từ góc nhìn trải nghiệm (experience-based) có thể phù hợp hơn để tiếp cận thế giới quan của tôi.
Một vài người bạn nước ngoài đã từng ngẫu nhiên hỏi tôi về khái niệm “văn hoá Việt”, “người Việt”. Câu trả lời khá đơn giản và tóm gọn: “I think you should live here for a while and find out by yourself, don’t forget to go down the street when you have time”.
Văn hoá được tạo ra bởi con người (theo khái niệm của UNESCO), trong đó con người sống trong hệ sinh thái không chỉ bao gồm con người mà còn các sinh vật khác, bao gồm cả những sinh vật được gọi là “thứ này”, “thứ kia” (more-than-human objects). Tạm đóng sách vở lại và bắt đầu học cách “chung sống” là một trong những cách thực tế, dễ dàng nhất để hiểu về văn hoá của một vùng đất, Những hiểu biết đó sẽ thực sự chảy trong cơ thể như một mạch sống, đôi khi tốt nhất không nên diễn tả bằng lời nói.
Tôi hiện đang sinh sống ở Sài Gòn được 3 năm, trước đó tôi đi học và làm việc Hà Nội tầm 7 năm, và trước đó nữa tôi ở cùng với gia đình ở Đăk Nông khoảng 17 năm. Ông bà nội của tôi đang ở Lâm Đồng, còn ông bà ngoại ở Nghệ An. Gia đình tôi không sinh sống với họ hàng, và trên giấy tờ quê hương của tôi được định danh là Nam Định. Tôi không thể trả lời rõ ràng về căn tính (identity) của bản thân mình, cũng không thể khái quát hoá (generalize) rằng mình là người Việt. Vậy còn những biến chuyển về thế giới quan của tôi khi nói tiếng Anh và tiếp nhận kiến thức, văn hoá ngoài không gian địa phương, liệu sẽ làm thay đổi “căn tính” của tôi?
Có thể sự nhận thức về câu hỏi “người Việt là ai” sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt với một người bán đồ ăn vỉa hè ở Sài Gòn. Tôi từng trò chuyện với một chủ xe hủ tiếu ở hẻm 88 Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận và nghe cô thuật lại cuộc đời trong 20 năm đẩy xe bán hàng. Vậy người Việt với cô là gì? Hương vị hủ tiếu mỗi sáng giá không đổi, những câu chuyện của người ngồi ăn hàng quán, hay tính “thương thì cho thêm chẳng tội tình gì”? Nếu làm một công việc văn phòng hoặc theo đuổi một sự nghiệp ổn định hơn, liệu cô có thay đổi góc nhìn về người Việt không? Nếu góc nhìn của cá nhân cô thay đổi thì “đại cục” về văn hoá của một tập thể có thay đổi hay không?
Có, có thể, và có thể không. Điều này tùy thuộc vào sự di chuyển, tiếp biến văn hoá từ cái gốc rễ (căn), phản ánh qua lối sống của người đó. Thứ nhất, cái “căn tính” không nên được nhìn nhận là một thực thể tĩnh, “căn tính” có thể thay đổi trong những thời điểm khác nhau của một đời người, chẳng hạn khi họ quyết thay đổi địa phương sinh sống và cộng đồng xung quanh. Thứ hai, cái “căn tính” không nên được xét một mình, cho dù đó là căn tính của một con người hay một dân tộc. Như đề cập ở trên, con người sống trong hệ sinh thái, một lẽ tự nhiên khó chối bỏ. Vậy nếu nói rằng những yếu tố tự nhiên có tính ổn định như đất đai, khí hậu, những yếu tố sinh học không thể lựa chọn như gen di truyền quyết định đến “căn tính”, một thực thể được đặt trong thế giới đã định sẵn khái niệm “căn tính” này “căn tính” kia sẽ tự quyết định “căn tính” của mình được không?
Lặp lại câu trả lời, có, có thể, và có thể không.
Nới rộng ra từ “căn tính” của cá thể cho đến một cộng đồng, ranh giới giữa giữ gìn và hội nhập rất mỏng manh. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đi giữa ranh giới cùng với sự không ổn định (uncertain) và sự phức tạp (complexity), và liệu có một cách nào chính xác để đi hay không? Nhìn một cách đơn giản từ góc độ sinh học, cơ thể con người có hai chân để đi, có bộ não để xác định sẽ đi đâu. Trong khái niệm “đi” đã bao gồm câu trả lời, tất nhiên là có thể đi, đi thế nào tuỳ vào ý chí, tốc độ, và nhiều yếu tố khác. Không thể lấy cách đi của một cá thể này gán vào cá thể kia, vậy nên không thể nói rằng người này “Việt” hơn người kia, hay người này “ngoại quốc” hơn người kia. Đặt ra câu hỏi “đi như thế nào” để tự nghiền ngẫm và tìm cách quay trở về sinh sống với các thực thể khác như một hệ sinh thái, có chăng là lựa chọn thông thái hơn, thay vì đẩy mạnh sự chia rẽ bởi tính khác nhau, sự phân biệt. Những nhà nhân chủng học đã cho thấy điểm khởi đầu của lịch sử đưa con người đến gần với nhau là sự tương đồng, không phải sự khác biệt. Sự tương đồng sẽ mang lại cảm giác an toàn, một trong những nhu cầu cơ bản để con người mở ra thế giới quan của họ và tiếp nhận thế giới quan của người khác. Như vậy, đi giữa ranh giới mỏng manh của việc “giữ” hay “còn”, đòi hỏi những tập hợp phẩm chất khác nhau để đối phó trong những bối cảnh khác nhau, và những tập hợp này có thể hoàn toàn khác nhau, không rập khuôn hay đặt nặng vào năng lực cá thể.
Nhìn vào nền văn hoá-nghệ thuật Việt Nam đương đại là nhìn vào một bối cảnh chính trị-xã hội được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh với những từ khóa như “the modernity”, “hybrid”, “postwar”. Đặc thù này trải dài từ các nhóm thực hành nghệ thuật, các tổ chức văn hoá, các nhóm cộng đồng tương ứng với những hệ thống niềm tin giống-và-khác. Tính “Việt” được đề cao hơn hẳn trong thời điểm hiện tại, với những nỗ lực từ nhiều tổ chức khác nhau khi đứng trước nguy cơ bị mất tính “Việt”, và chính cái tính “Việt” không rõ hình dung ấy lại là chất keo gắn kết để những sự khác biệt đến gần với nhau, cổ vũ và tiếp tục đi tiếp trên hành trình của riêng mình. Lấy nghệ thuật đương đại là một ví dụ điển hình, trong khi các nghệ sĩ trẻ vẫn đang loay hoay để tìm chỗ đứng của mình trong giới nghệ thuật vốn dĩ đi sâu vào tiềm thức người Việt là món ăn của kẻ thượng lưu, có lẽ công chúng còn không hiểu được nghệ thuật đương đại là gì và vì sao cần nghệ thuật. Đâu đó một mảng trong căn tính Việt vẫn còn ở đây để đánh giá, đặt câu hỏi, để đòi hỏi một thứ nghệ thuật đúng, có giá trị, tiếp bước những thế hệ trước. Đâu đó vẫn cần một sự đảm bảo rằng cái thứ “nghệ thuật đích thực” ấy sẽ được giữ nguyên vẹn và truyền tới những thế hệ tiếp theo. “Đến ăn còn không có, tiền đâu mà triển lãm với cả phòng tranh?”. Tuy vậy, như những thế giới song song len lỏi trong cộng đồng, những cái-cũ-mới vẫn mọc ra như rễ cây và tìm nơi nương náu. Khó, và rất khó để có đủ nước uống hay sức sống dưới ánh mặt trời, vì cần nhường cho những cái rễ cây khác ốm yếu hơn. Một sức mạnh bền bỉ, âm thầm, không hề dữ dội “rất Việt”, chẳng ai nói với ai câu nào đều hiểu, nhưng cũng vậy, một cái tôi, một cái mong muốn tột bậc để chuyển mình thay đổi và vươn ra thế giới, được coi là “rất ngoại quốc”, cả hai song hành trong một thế kỷ với những điều không biết trước.
Có lẽ cũng như những cái kết khác, một cái kết để bắt đầu thay vì một cái kết để quy chụp, một cái kết để tự hào thay vì một cái kết để đau thương. Cái kết nào cũng cần thời gian để từ từ đóng lại, cái “căn tính” nào cũng cần có thời gian để tự chiêm nghiệm và đặt ra những câu hỏi. Hay bản thân “căn tính” đã là một tập hợp của những câu hỏi?